Tiểu sử ngắn gọn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam được nhân dân Việt Nam kính trọng và yêu mến. Cuộc đời của người là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của người cộng sản vĩ đại một anh hùng kiệt xuất một người đã đấu tranh hết không mệt mỏi vì Tổ quốc và nhân dân. Vậy để hiểu hơn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hãy cùng farawebsite.org tìm hiểu qua bài viết tiểu sử ngắn gọn về bác nhé!

I. Tiểu sử Bác Hồ

Bác Hồ tên thật là Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890

Bác Hồ hay Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.

Bác sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo có nguồn gốc nông dân tại Làng Sen, Nghệ An – nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị nặng nề của thực dân phong kiến. Cha của Người là Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước bấy giờ, mẹ là Hoàng Thị Loan và anh chị đều tham gia chống Pháp.

Thuở thơ ấu, Người sống ở quê hương trong sự thương yêu, đùm bọc của ông bà và cha mẹ, lớn lên trong truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động và sống tình nghĩa và bất khuất trước kẻ thù. Những năm tháng lớn lên, Người cùng gia đình chuyển đi sinh sống ở nhiều nơi và trải qua những năm tháng cuộc sống khó khăn, nghèo khổ bao trùm.

Tại quê nội, Bác Hồ được học tập dạy dỗ bởi những người thầy yêu nước, đồng thời được nghe kể chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước.Từ đó, Người dần dần hiểu được thời cuộc và nỗi lo trong lòng của các thầy trước cảnh nước mất nhà tan. Nhìn thấy cuộc sống của nhân dân, Người thấm thía được nỗi khổ mà người dân phải chịu đựng dưới ách đô hộ.

Bác là người viết và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian 1945 – 1969, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong thời gian 1951 – 1969.

II. Tóm tắt hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Giai đoạn 1911- 1920

  • Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp, tháng 6-1919 thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 8 điểm tới Hội nghị các nước đế quốc họp ở Véc-xây (Pháp), đòi chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
  • Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
  • Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

2. Giai đoạn 1921- 1930

  • Từ tháng 7-1923 đến tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế, bổ sung và phát triển lý luận về cách mạng thuộc địa. Người hoạt động trong Quốc tế Nông dân; tham dự Đại hội II Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên; tiếp tục viết nhiều sách báo tuyên truyền cách mạng, hoàn thành tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp; học tập tại trường Đại học phương Đông; tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là cán bộ Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản.
  • Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6-1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở các lớp huấn luyện cán bộ, ra Báo Thanh niên (1925).
  • Hè năm 1927, Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc đi Liên Xô, sau đó đi Đức (tháng 11-1927) rồi bí mật sang Pháp.
  •  Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

3. Giai đoạn 1930-1945

  • Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Tháng 6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin..
  • Ngày 28-1-1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước  (tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). 
  • Tháng 8-1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc bắt liên lạc với Đồng minh, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn Nhật ký trong tù. Tháng 9-1943, Người được thả tự do.
  • Tháng 8-1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
  • Ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

4. Giai đoạn 1945-1954

  • Những năm 1945-1946, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  • Ngày 2-3-1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
  • Ngày 3-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 11-1946 – đến tháng 9-1955) và kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
  • Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

5. Giai đoạn 1954-1969

  • Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau 2 năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  • Tháng 10-1956, tại Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch Đảng. 
  • Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Người được bầu lại làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là tổn thất vô cùng lớn lao. Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết. Sự ra đi của Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam và tình đoàn kết thân ái với nhân dân tiến bộ trên thế giới.

III. Lời kết

Trên đây là toàn bộ thông tin về tiểu sử ngắn gọn về bác được nhiều người tìm kiếm. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích với các bạn. Có thể khẳng định Bác Hồ là người đã dành cả cuộc đời để lãnh đạo và xây dựng đất nước. Vì thế công ơn của nhân dân Việt Nam với người không thể nào quên. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!